Bài Viết Diễn Giải: Sơ lược về Xung đột Israel-Palestine

(English)

Ngày 7 tháng Mười năm 2023, Hamas, tổ chức cầm quyền tại Dải Gaza, bất ngờ tấn công vào Israel, gây thiệt mạng hơn 1.400 người. Hamas tuyên bố đã bắt giữ hơn 200 con tin tại Dải Gaza và đã đưa ra những video về các con tin. Quân đội Israel trả đũa bằng cách phát lệnh xâm chiếm hoàn toàn và pháo kích vào Dải Gaza, gây thiệt mạng ít nhất là 5.000 người tính đến ngày 23 tháng Mười.


Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đã tuyên chiến với Palestine và thề sẽ tiêu diệt Hamas. Vào ngày 13 tháng Mười, Israel đã kêu gọi toàn bộ dân Palestine di tản để tránh thương vong, nhưng nhiều người lo ngại rằng họ sẽ không được phép quay trở về nhà khi chiến tranh kết thúc. Tổng thống Biden đã đến thăm Israel vào thứ Tư, ngày 18 tháng Mười, trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza và ngăn ngừa cuộc chiến Israel-Hamas lan rộng. Hoa Kỳ bày tỏ ủng hộ quyền tự vệ của Israel và Tổng thống Biden lên án Hamas, đồng thời cảnh báo Israel không nên chiếm đóng Gaza. Ngoài ra, cả Nga và Trung Quốc đều đưa ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt giao tranh.

Đại diện Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc là Volker Türk cho biết các hành động mà Hamas và Israel thực hiện trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas 2023 này đã vi phạm luật nhân đạo. Hơn 2 triệu người ở Gaza hiện không có điện, nước hoặc thực phẩm. Vật phẩm cứu trợ không vào được Dải Gaza, mặc dù Israel khẳng định rằng “thực phẩm, nước và thuốc men sẽ bắt đầu được đưa vào Gaza qua ngã Ai Cập”.

Để tóm tắt lịch sử phức tạp của cuộc xung đột Israel-Palestine, đây là dòng thời gian của các sự kiện lớn:

1917: Trong Đệ nhất Thế chiến, Chính phủ Anh ban hành Tuyên bố Balfour 1917 để tuyên bố ủng hộ việc thành lập “tổ quốc cho người Do Thái” tại Palestine. Vào thời điểm này, xứ Palestine có đa số là người Ả Rập và thiểu số là người Do Thái.

1920-1940: Ngày càng nhiều người Do Thái đổ về Palestine khi họ chạy trốn sự đàn áp ở châu  u. Điều này đưa đến thêm nhiều bạo động giữa người Do Thái và người Ả Rập.

1947: Liên Hợp Quốc bỏ phiếu chia Palestine thành hai quốc gia Do Thái và Ả Rập riêng biệt, và Jerusalem trở thành một thành phố quốc tế. Các nhà lãnh đạo Do Thái ủng hộ kế hoạch này trong khi các nhà lãnh đạo Ả Rập bác bỏ nó.

1948: Anh rút quân và các nhà lãnh đạo Do Thái thành lập Nhà nước Israel, một tổ quốc cho người Do Thái và là nơi trú ẩn an toàn cho những người Do Thái chạy trốn sự đàn áp. Một ngày sau khi Israel tuyên bố thành lập nhà nước, năm quốc gia Ả Rập đã tấn công Israel và hàng trăm nghìn người Palestine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa trong sự kiện mang tên Al Nakba, hay “Thảm họa Palestine”.

1949: Cuộc giao tranh kết thúc bằng lệnh ngừng bắn với việc Israel kiểm soát phần lớn lãnh thổ.

1967: Israel chiếm đóng Đông Jerusalem và vùng Tây Ngạn, cũng như phần lớn Cao nguyên Golan của Syria, Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập. Hầu hết người tị nạn Palestine và con cháu của họ sống ở Dải Gaza và vùng Tây Ngạn, cũng như ở các nước láng giềng Jordan, Syria và Lebanon. Israel từ chối cho phép họ trở về nguyên quán ở Palestine.

1967-2005: Israel chiếm đóng Gaza trong cuộc chiến năm 1967 và lưu lại đó để xây dựng các khu định cư của người Do Thái cho đến năm 2005. Năm 2005, Israel rút lui quân đội và dân định cư nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát không phận, biên giới chung và bờ biển của Gaza. Liên Hợp Quốc coi rằng vùng lãnh thổ này vẫn bị Israel chiếm đóng.

1987: Hamas được thành lập khi bắt đầu cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine, phát triển từ Tổ chức Anh em Hồi giáo. Mục tiêu của nó là tạo dựng một nhà nước Palestine theo Hồi giáo chính thống.

1996: Chính quyền Palestine (PA) thẳng tay trừng phạt Hamas sau một loạt vụ đánh bom và đánh bom tự sát do Hamas dàn dựng ở Israel khiến hơn 50 người thiệt mạng.

2001: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Hamas vào danh sách chính thức các nhóm khủng bố.

2004-2006: Hàng loạt vụ đánh bom, đánh bom tự sát, nổ súng xảy ra và giết hại người dân Israel. Hamas tuyên bố nhận trách nhiệm.

2006: Hamas giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lập pháp Palestine. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cho biết họ sẽ không tiếp xúc với chính phủ Palestine do Hamas lãnh đạo. Hamas đã trục xuất các đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và chiếm Gaza.

2010-2023: Giao tranh tiếp diễn giữa Hamas và Israel trong khi chính quyền Trump chuyển đại sứ quán Hoa Kỳ ở Do Thái từ Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2018, một động thái được lãnh đạo Israel ủng hộ nhưng bị các nhà lãnh đạo Palestine lên án.

Mặc cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine diễn ra từ những năm 1990 đến 2010 nhưng bạo lực vẫn cứ bùng phát. Israel đã chiếm đóng cả vùng Tây Ngạn và Dải Gaza kể từ năm 1967, tính hợp pháp của việc này đã bị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đặt vấn đề. Ngoài ra, do các hạn chế đi lại áp đặt đối với người dân Gaza kể từ năm 2007, nó được mô tả như một “nhà tù ngoài trời” với hơn 65% người dân Gaza sống dưới mức nghèo khổtỷ lệ thất nghiệp là 46%.