(English)
Giả định: Một thư quảng cáo gần đây do America First Legal Fund (AFL Fund, Quỹ Pháp lý Nước Mỹ Trước tiên) chi trả đã cáo buộc rằng Joe Biden và các quan chức cánh tả đang mở rộng thực hiện kỳ thị chủng tộc đối với người Da trắng và người Mỹ gốc Á.

Thẩm định: Nhận định trên là SAI. Các chính sách Hành động Khẳng định — để quyết định đơn xin việc, xin nhập đại học hay các chương trình xã hội đặt lưu tâm đến người thuộc các nhóm sắc tộc từng bị thiệt thòi trong lịch sử Hoa Kỳ — tìm cách tạo nên công bằng kinh tế xã hội, chứ không nhằm tấn công vào người Mỹ da trắng và người gốc Á.
Những tuyên bố về cái gọi là “phân biệt đối xử ngược”, hoặc cho rằng hành động khẳng định thiên vị cho người da màu, không gì mới mẻ. Trong suốt thời gian tồn tại, các chính sách tuyển sinh ưu tiên cho sắc tộc đã thường gây tranh cãi và xung đột.


Các chương trình hành động khẳng định hợp pháp chưa bao giờ lấy ưu tiên trên sắc tộc, hay chỉ tiêu. Đó là sự thực, đặc biệt là trong tuyển sinh đại học. Trong vụ kiện Regents of the University of California v. Bakke (Bakke kiện Ban quản trị Đại học California) tại Tối cao Pháp viện, Tòa phán rằng các trường và viện đại học có thể sử dụng yếu tố sắc tộc như là “một trong nhiều yếu tố” trong quá trình tuyển sinh của họ và rằng các trường và viện đại học không thể sử dụng hệ thống hạn ngạch để tuyển chọn sinh viên. Những người phản đối hành động khẳng định, chẳng hạn như Quỹ Pháp lý AFL, đã cố tình bóp méo định nghĩa và mục tiêu của phán quyết pháp lý trên.
Hành động khẳng định là một công cụ hiệu quả để khắc phục những bất công gây bởi sự phân biệt đối xử trong lịch sử của Hoa Kỳ đối với người da màu và phụ nữ. Hành động khẳng định chỉ cho phép các yếu tố như sắc tộc, giới tính và nguồn gốc quốc gia được xem xét trong quá trình tuyển sinh. Những tuyên bố cho rằng các chương trình hành động khẳng định “trái với luật pháp” về cơ bản hiểu sai việc các chương trình đó phải linh hoạt và chỉ giới hạn trong việc sử dụng các mục tiêu và thời gian biểu. Những ưu tiên không công bằng — trong quá trình tuyển dụng nhân công hoặc tuyển sinh đại học — quả có tồn tại, nhưng không ở mức can thiệp, dường như ưu tiên đàn ông da trắng ở mức độ cao hơn.
Vào những năm 1920, các trường nổi tiếng bắt đầu cân nhắc đặt trọng lượng nhiều hơn cho các đơn xin vào đại học của nhóm “thừa tự”, con em của cựu sinh viên như một phản ứng trước sự gia tăng đột ngột của số đơn xin vào Đại học sau Thế chiến thứ nhất, vào lúc các trường đang cố gắng ngăn chặn sự tràn ngập bởi người nhập cư và người Do Thái. Giữa Phong trào Dân quyền những năm 1960, khi các trường đại học bắt đầu phải nhận sinh viên Da đen, nhiều trường đã cố ý sửa đổi các chính sách nhận sinh viên để giảm thấp nhân số Da đen. Ngay từ khi được áp dụng, việc tuyển chọn sinh “thừa tự” đã được tạo ra để hạn chế tỷ lệ sinh viên không phải da trắng và không theo đạo Tin lành.
Harvard chẳng hạn, nổi tiếng về tính cạnh tranh trong tuyển sinh. Tỷ lệ được tuyển nhận cho khóa tốt nghiệp 2025 là 3,43%, tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử của trường. Tuy nhiên, khi có nhiều thông tin hơn về quy trình tuyển sinh tại Harvard, ta thấy rõ ràng là việc tuyển chọn của một cá nhân không chỉ dựa trên thành tích. Bài nghiên cứu “Ưu tiên cho Nhóm Thừa tự và Vận động viên tại Harvard” (“Legacy and Athlete Preferences at Harvard”), của kinh tế gia Peter Arcidiacono thuộc Đại học Duke, chứng minh rằng ưu tiên cho nhóm thừa tự, vận động viên và con cái mạnh thường quân đã mang lại nhiều lợi ích bất tương xứng cho các học sinh da trắng. Theo nghiên cứu, cơ hội được nhận của một học sinh da trắng tăng gấp bảy lần nếu gia đình họ có quyên góp cho Harvard và 43% sinh viên da trắng được nhận không phải nhờ thành tích tốt. Xem xét các yếu tố này, việc chống đối hành động khẳng định chỉ nhằm mục đích duy trì các chính sách tuyển sinh vốn có tính phân biệt chủng tộc này. Sự chống đối đã được chính phủ Trump củng cố, thể hiện qua việc xem thường một hệ thống được thiết kế chỉ nhằm cung cấp cơ hội bình đẳng cho một số nhóm nhất định được tham dự nền giáo dục đại học mà họ từng bị loại trừ một cách có hệ thống. Quan điểm cho rằng việc sử dụng các hành động khẳng định tại các trường đại học là phân biệt chủng tộc ngược, hoặc rằng người da trắng hiện đang bị gạt ra ngoài để ưu tiên cho người Da đen nói riêng, là hoàn toàn sai lầm.
Dữ liệu tuyển sinh được sử dụng trong bài nghiên cứu “Ưu tiên cho Nhóm Thừa tự và Vận động viên tại Harvard” đã được Harvard công bố công khai từ vụ kiện đang diễn ra chống lại nhóm Students For Fair Admission (Sinh viên vì Tuyển sinh Công bằng) — một nhóm ủng hộ việc chống hành động khẳng định. Giáo sư Chính sách Công của Đại học Georgetown và là Kinh tế gia Harry Holzer, người đã ký vào một bản ý kiến ủng hộ tại tòa để bênh vực Harvard, đã phát biểu: “Điều đó rõ ràng minh chứng cho thực tế rằng lợi thế tương đối của [thừa tự và vận động viên] đang tăng lên theo thời gian, và mức độ mà họ từ chối thâu nhận các nhóm xứng đáng khác đang tăng lên theo thời gian.”
Nhóm nguyên đơn người Mỹ gốc Á đã đưa ra các bằng chứng thuyết phục chống lại Harvard bằng cách sử dụng những con số dường như dệt nên một câu chuyện nổi bật về sự xuất sắc của người Mỹ gốc Á. Một nghiên cứu nội bộ của Harvard cho thấy nếu trường đại học chỉ chú trọng đến yếu tố học vấn, khoảng 43% sinh viên sẽ là người gốc Á. Tuy nhiên, các khiếu nại của các nguyên đơn người Mỹ gốc Á, mặc dù chính đáng, lại đang được sử dụng như một công cụ bởi những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng, những người không quan tâm nghiêm túc đến các mối bận tâm của sinh viên. Nhóm “Sinh viên vì Tuyển sinh Công bằng” được thành lập bởi Edward Blum, một “doanh nhân về pháp lý” như ông tự mô tả, là người đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để tấn công các chương trình xã hội có lợi cho người Mỹ gốc Phi. Blum không phải là người ủng hộ người Mỹ gốc Á, thay vào đó, ông ta muốn yếu tố sắc tộc ngừng được coi là một trong nhiều yếu tố — bao gồm các yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội — trong quá trình tuyển sinh.
Mặc dù Blum dùng sinh viên người Mỹ gốc Á làm lý do để loại bỏ yếu tố sắc tộc trong tuyển sinh, nhưng sẽ không khiến số học sinh Mỹ gốc Á sẽ được tuyển vào Harvard tăng lên mức gần một nửa. Trên thực tế, nếu các Hành Động Khẳng Định bị bãi bỏ, sẽ chỉ mang lại lợi ích không lường cho hạng sinh viên da trắng thuộc nhóm thừa tự, con cái mạnh thường quân hoặc vận động viên, vì đây là những yếu tố cao hơn nhiều trong lịch sử tuyển sinh của Harvard so với thành tích học đường. Điều này có nghĩa là, nói một cách tương đối, những học sinh da trắng với học lực tầm thường sẽ được thâu nhận với tỷ lệ cao hơn nhiều so với những học sinh Mỹ gốc Á xuất sắc, những người vì vô số lý do thường không phải thuộc nhóm thừa tự, con cái mạnh thường quân hoặc vận động viên. Cuối cùng, người Mỹ gốc Á đang được sử dụng như những công cụ tranh biện để củng cố hiện trạng.
Những lập luận tương tự cũng được áp dụng khi sử dụng sắc tộc như một yếu tố trong đơn xin việc hoặc cho các chương trình xã hội. Trong lịch sử, loại bỏ yếu tố sắc tộc trong việc xem xét đơn xin việc cũng sẽ tạo lợi thế tương tự cho những người da trắng, nhưng điều đó đã không ngăn cản những kẻ bảo thủ đằng sau những thư quảng cáo kia đã một lần nữa sử dụng người Mỹ gốc Á như vũ khí chống lại những sắc dân khác. Giả định rằng việc xem xét yếu tố sắc tộc trong đơn xin việc hoặc đơn xin vào đại học gây bất công cho người Da trắng là SAI.