Đạo luật CHIPS có tốt cho Hoa Kỳ không?

(English)

Vào mùa hè, Quốc hội đã thông qua Đạo luật CHIPS, được Tổng thống Joe Biden ký thành luật. Dưới đây là cách Đạo luật CHIPS sẽ củng cố ngành sản xuất của Mỹ và đình trệ tiến triển của Trung Quốc trong ngành sản xuất điện thoại di động.

Mặc dù ai cũng biết Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, nhưng ít ai biết rằng các bộ phận quan trọng nhất của những chiếc điện thoại này, các vi mạch, đều được nhập khẩu và nằm ngoài khả năng sản xuất của các kỹ nghệ gia Trung Quốc. Những vi mạch này, còn được biết đến như là chất bán dẫn, hầu như được sản xuất hoàn toàn ở Đài Loan và Hàn Quốc, sử dụng những kỹ thuật không được cung cấp cho Trung Quốc bởi sự can thiệp của Hoa Kỳ. Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đầu tư hàng tỷ đô la vào các công ty kỹ thuật  Trung Quốc, phải mất nhiều  năm nữa mới có đủ phương cách để chế tạo các vi mạch cần thiết cho điện thoại di động. Chính phủ Trung Quốc đã mở các cuộc điều tra và thăm dò chống tham nhũng để tìm hiểu tại sao đã không đạt được đủ tiến bộ mặc dù đã đầu tư cả 100 tỷ Mỹ kim.

Điểm đặc biệt của ngành công nghiệp bán dẫn là nhiều công ty thiết kế vi mạch không làm chủ bất kỳ nhà máy nào. Thay vào đó, những thiết kế này được gửi đến một nhà máy sản xuất vi mạch, còn được gọi là ‘fab’, nơi chúng có thể được sản xuất để sử dụng trong các thiết bị điện tử. Những con chip (vi mạch) tiên tiến nhất có các mạch điện với kích thước 5 phần tỷ mét, nhỏ hơn 20.000 lần so với sợi tóc người.

Với các thành phần rất nhỏ, vi mạch không những chạy nhanh hơn và hiệu quả hơn mà còn giúp cấu kết nhiều tính năng hơn. Khi người tiêu thụ yêu cầu các bộ máy thiết bị với khả năng hoạt động tốt hơn với thời lượng pin dài hơn, không thể tạo ra một chiếc điện thoại tân tiến ngày nay mà không dùng đến những vi mạch từ các nhà máy sản xuất chất bán dẫn hàng đầu, như Samsung ở Hàn Quốc hoặc TSMC ở Đài Loan, dù là vi mạch được thiết kế ở Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc.

Khi ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đang cố gắng thu hẹp khoảng cách trên, chính phủ Hoa Kỳ, dưới thời chính quyền Trump, bắt đầu can thiệp mạnh mẽ hơn bằng cách hạn chế bán công nghệ sản xuất vi mạch quan trọng do công ty ASML có trụ sở tại Hà Lan sản xuất cho Trung Quốc vào năm 2018. Vào năm 2022, chính quyền Biden đã mở rộng nỗ lực ngăn chặn các công ty ở Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ bán hoặc hỗ trợ công nghệ sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc để tiếp tục đình trệ sự tiến triển của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này có thể làm chậm bước tiến của Trung Quốc trong sản xuất chất bán dẫn, nhưng hiệu quả của chúng sẽ giảm dần theo thời gian. Để chắc chắn Hoa Kỳ luôn dẫn đầu, đạo luật CHIPS, được đa số lưỡng đảng thông qua trong cả hai viện của Quốc hội vào tháng 7 năm 2022, sẽ cung cấp 52 tỷ đô la để thiết lập thêm các nhà máy sản xuất vi mạch tiên tiến tại Hoa Kỳ. Về mặt lịch sử, trong khi các công ty Hoa Kỳ có công nghệ và hiểu biết để xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch tiên tiến (nhà máy sản xuất vi mạch), phần lớn vốn đầu tư để xây dựng chúng đã được đổ chủ yếu vào châu Á. Với khoản đầu tư mới này, dự kiến ​​Hoa Kỳ sẽ phát triển và duy trì khả năng chế tạo vi mạch trong nhiều năm tới.

Đạo luật CHIPS cũng cung cấp tài trợ cho đào tạo và giáo dục để đảm bảo Hoa Kỳ có một lực lượng nhân công rành nghề cho các công việc sản xuất kỹ nghệ cao này, đồng thời tài trợ cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để thiết lập mối quan hệ với các trường đại học Hoa Kỳ trong việc nghiên cứu và phát triển quan trọng đối với các kỹ nghệ liên quan đến quốc phòng.

Mặc dù kỳ vọng là đạo luật CHIPS sẽ giúp thiết lập và duy trì sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Hoa Kỳ, điều quan trọng cần hiểu là chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất vi mạch rất phức tạp và phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới cũng như những máy móc được sản xuất độc quyền bởi ASML ở Hà Lan. Về mặt này, Liên minh châu Âu, một đồng minh của Hoa Kỳ, đang xây dựng một đạo luật tương tự để bảo đảm cung cấp những nguyên liệu này cho ngành sản xuất vi mạch. Các nhà máy đầu tiên ở Mỹ dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất vi mạch tân tiến vào năm 2024 cho nhiều khách hàng doanh nghiệp. Ví dụ, Intel, một công ty Mỹ nổi tiếng trong việc sản xuất bộ vi xử lý cho máy tính, đã ký hợp đồng với MediaTek, một công ty bán dẫn hàng đầu của Đài Loan, để sản xuất vi mạch điện thoại thông minh tiên tiến ở Mỹ và châu Âu với thương hiệu MediaTek.

Kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2022, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Biden, đã thực hiện một loạt các biện pháp kiểm soát xuất cảng với mục tiêu ngăn chặn các vi mạch do Hoa Kỳ thiết kế không bị Trung Quốc sử dụng để tiến bộ hoá ngành trí tuệ nhân tạo và các hệ thống tự động hoá mà có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để tăng cường khả năng tình báo quân sự hoặc giám sát công dân họ chặt chẽ hơn nữa. Các biện pháp kiểm soát xuất cảng này không chỉ hạn chế việc bán vi mạch và công nghệ sản xuất vi mạch mà còn hạn chế các công ty và công dân Hoa Kỳ trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ nghệ cho một số công ty sản xuất bán dẫn ở Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt này được xem là có phạm vi bao trùm hơn nhiều so với lệnh cấm trước đây dưới thời Tổng thống Trump đối với thiết bị nhà máy , và dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến ở Trung Quốc vì trước đây Trung Quốc dựa vào kỹ nghệ của Mỹ và lao động trí óc của người Mỹ.

Tóm lại, Hoa Kỳ đã nắm giữ kiến thức để tạo ra các vi mạch tân tiến nhưng cho đến nay chỉ đầu tư hạn chế vào các địa điểm sản xuất vi mạch tại Hoa Kỳ. Sau đại dịch COVID, các chuỗi cung ứng vững vàng cho Mỹ và các đồng minh trở nên tối quan trọng, và chính phủ liên bang đang tìm cách để bảo đảm vi mạch sản xuất tại  Mỹ được sử dụng trong các cơ xưởng Mỹ. Ảnh hưởng của đại dịch COVID trên  chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ và các đồng minh đã là áp lực buộc chính phủ Hoa Kỳ phải thực hiện các bước cần thiết nhằm bảo đảm khả năng sản xuất vi mạch quan trọng tồn tại ở Hoa Kỳ.