Bài viết diễn giải: Các mẩu tin nhắn riêng tư của bạn trên mạng xã hội có thực sự riêng tư hay không?

(English)

Mới đây, Facebook đã giao nộp nội dung các mẩu tin nhắn riêng tư trên Facebook giữa hai mẹ con, sau khi công ty này nhận được trát từ cảnh sát Nebraska điều tra một vụ phá thai. Ý nghĩa chuyện này rất rõ ràng: tin nhắn riêng tư giữa các cá nhân trên Facebook và các nền tảng truyền thông xã hội khác, không thực sự riêng tư và có thể được đọc bởi người khác, bao gồm cả nhà chức trách.

Nhiều người trong chúng ta sử dụng các ứng dụng trò chuyện như Facebook và Google để giao tiếp với bạn bè và gia đình. Những sản phẩm này rất hữu ích và tiện lợi, nhưng điều quan trọng là phải biết rằng chúng không phải lúc nào cũng an toàn. Dù rằng bạn không phải lo lắng khi người khác nghe được cuộc chuyện trò của bạn với bạn bè về một đội thể thao bạn yêu thích, có những cuộc trò chuyện mà có lẽ bạn muốn giữ kín.

Dưới đây là cách đảm bảo rằng các cuộc trò chuyện riêng tư thật sự được giữ kín và đảm bảo người ngoài không thể truy cập chúng.

Các câu hỏi bạn cần đặt ra về quyền riêng tư

Có hai câu hỏi cơ bản bạn cần đặt ra khi nghĩ về quyền riêng tư. Câu hỏi đầu tiên là: bạn muốn giữ bí mật đối với ai? Ví dụ: bạn có thể không muốn một người thân trong gia đình biết trước một điều bất ngờ mà bạn đang sửa soạn cho họ. Nhưng nhiều khi, bạn có thể không muốn người chủ của bạn hoặc quan chức chính phủ biết điều gì đó về bạn.

Câu hỏi thứ hai cần đặt ra là: thiệt hại với cá nhân bạn là gì nếu một cuộc trò chuyện riêng tư bị tiết lộ cho bên thứ ba? Có phải chỉ là một chút bối rối? Hay đó là một điều gì đó nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rạn nứt trong quan hệ gia đình hoặc rắc rối với luật pháp.

Nếu việc lộ bí mật của cuộc trò chuyện không gây thiệt hại gì đáng kể, và chẳng ai bận tâm ngoài bạn bè và gia đình bạn, bạn có thể tiếp tục sử dụng bất kỳ ứng dụng trò chuyện nào mà không cần quan tâm.

Nhưng nếu bạn có những lo ngại nghiêm trọng hơn về quyền riêng tư, bạn nên thận trọng với các ứng dụng bạn dùng để nói chuyện với mọi người.

Các ứng dụng như Facebook có giữ một bản sao các cuộc trò chuyện riêng tư của bạn

Một tính năng tuyệt vời trong hầu hết các ứng dụng trò chuyện thông dụng như Facebook MessengerGoogle Chat là bạn có thể đọc lại toàn bộ quá trình trò chuyện của bạn từ khi bắt đầu. Đây là một tính năng được yêu thích vì rất tiện lợi. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của nó là các công ty này lưu trữ một bản sao của tất cả các mẩu tin nhắn của bạn trên mạng máy tính của họ, được gọi là máy chủ, luôn được kết nối với internet.

Điều đó có nghĩa là một nhân viên trong công ty đó có thể đọc các cuộc trò chuyện riêng tư của bất kỳ ai. Mặc dù hầu hết các công ty có ứng dụng trò chuyện đều có các quy định nghiêm ngặt về việc đọc các cuộc trò chuyện riêng tư, đã xảy ra những trường hợp nhân viên bị sa thải do vi phạm các quy tắc đó. Ngoài ra, trong trường hợp có lệnh tòa chẳng hạn như một trát đòi, các công ty sẽ phải cung cấp toàn bộ những cuộc trò chuyện riêng tư này khi cơ quan chính phủ yêu cầu.

Bạn nên sử dụng ứng dụng nào?

Điều này không có nghĩa là bạn không nên sử dụng BẤT KỲ ứng dụng trò chuyện nào. Nếu quyền riêng tư quan trọng đối với bạn, bạn nên chọn một ứng dụng có sử dụng kỹ thuật mã hóa tận gốc (E2EE: end-to-end encryption), chẳng hạn như các ứng dụng Signal, iMessage, WhatsApp và Viber.

Mã hoá tận gốc E2EE là một tính năng bảo mật mà dữ liệu chỉ được lưu trữ trên các thiết bị cá nhân của bạn, vì vậy không có bản sao tin nhắn của bạn được các công ty công nghệ lưu trữ. Điều đó có nghĩa là không ai khác có thể đọc tin nhắn của bạn nếu ứng dụng được mã hóa tận gốc E2EE. Ngoại lệ đối với trường hợp đó, chẳng hạn như nếu bạn sử dụng iMessage và sao lưu các mẩu trò chuyện của mình trên iCloud, Apple có thể đọc tin nhắn của bạn.

Còn các cuộc điện đàm và cuộc gọi video thì sao?

Các cuộc gọi video như trên ứng dụng Zoom và các cuộc gọi điện thoại khó bị theo dõi hơn các cuộc trò chuyện văn bản. Nếu tính năng ghi âm không được bật lên, chuyện bạn bị theo dõi nóng là hiếm có trừ khi bạn đang là đối tượng của một cuộc điều tra. Mặc dù không rõ liệu có bất kỳ trường hợp vi phạm quyền riêng tư nào xảy ra do nghe trộm tinh vi hay không, nhưng về mặt kỹ thuật vẫn có thể xảy ra. Các cuộc gọi trên Zoom có cài đặt bảo mật tùy chọn kiểu E2EE, và các cuộc gọi FaceTime luôn được mã hóa kiểu E2EE.

Các cuộc gọi điện thoại cũng khá an toàn vì chúng hiếm khi bị một kẻ thứ ba ghi âm (mặc dù tại 38 tiểu bang, người đang nói chuyện với bạn có quyền ghi âm cuộc gọi mà không cần thông báo cho bạn).

Để tăng mức riêng tư, hãy xóa các cuộc trò chuyện của bạn.

Có một số ứng dụng nhất định mà thông tin sẽ bị xóa trên máy chủ sau khi chúng bị xóa khỏi điện thoại hoặc danh khoản của bạn. Điều này bao gồm ứng dụng Google Chat và Facebook. Nhưng trong những trường hợp này, luôn có thể có các bản sao lưu còn lại hay có những thay đổi trong điều hành khiến cho dữ liệu không bị xóa thực sự. Dù vậy, việc xóa các cuộc trò chuyện mà bạn cho là nhạy cảm là điều nên làm.

Tóm lại, các cuộc trò chuyện an toàn nhất là các cuộc họp riêng tư trực diện, kế đến là các cuộc điện thoại, đến gọi điện video, và đến các ứng dụng trò chuyện E2EE như Signal hoặc WhatsApp. Kém an toàn nhất là các cuộc trò chuyện trực tuyến trong các ứng dụng như Slack, Facebook Messenger và Google Chat. Một nguyên tắc chung cần nắm là giao tiếp càng thuận tiện thì càng kém an toàn./.