Bài viết diễn giải: Biến thể COVID-19 Delta là gì?

(English)

Biến thể Delta của vi-rút COVID-19 có khả năng lây nhiễm gần gấp đôi vi-rút COVID-19 ban đầu và dẫn đến khả năng nhập viện và tử vong cao hơn. Delta hiện chiếm 83% các trường hợp COVID-19 ở Hoa Kỳ. Để chống lại biến thể Delta, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm toàn nước khuyến khích người dân nên đi tiêm phòng.


Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), biến thể Delta (tên gốc B.1.617.2) hiện có mặt trong 83% các ca nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ. Lần đầu tiên biến thể này đến Hoa Kỳ là vào tháng 3 năm 2021 sau khi mới được phát giác ở Ấn Độ vào tháng 12 năm 2020.

Theo giải thích của bác sĩ Douglas Kasper, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm tại trường y University of Illinois College of Medicine Peoria, vi-rút COVID-19 càng nhiễm được nhiều người thì nó càng biến đổi nhiều hơn: “Mỗi lần con vi-rút sản sinh ra bản sao chép, thì có cơ hội nhỏ là con vi-rút có thể thay đổi mã gen. Khi điều này xảy ra lâu dài với khối lượng dân số rất lớn, con vi-rút càng có khả năng biến hóa. Đây là tiến hóa ở cấp độ rất, rất nhanh”.

Khi vi-rút COVID-19 xâm nhập vào cơ thể, nó tạo ra các bản sao của mình. Nhưng quá trình này có thể sẽ làm một bản sao có “lỗi” và tạo ra đột biến. Càng nhiều vi-rút vào cơ thể thì mã gen của nó càng có nhiều cơ hội thay đổi và trở thành các biến thể mới có ảnh hưởng đến nhiều người hơn.

Một số đột biến của vi-rút COVID-19 có thể đe dọa cộng đồng một cách đáng kể và làm các tổ chức y tế gọi chúng là một “biến thể đáng lo ngại”. Trung tâm CDC hiện phân loại Delta là như thế, với các thuộc tính bao gồm:

  • Khả năng truyền nhiễm/lây lan cao hơn.
  • Bệnh nặng hơn (số ca nhập viện hoặc tử vong nhiều hơn).
  • Ít cơ hội để hình thành kháng thể trong lần nhiễm COVID-19 trước đó và vô hiệu hóa biến thể Delta.
  • Giảm mức hiệu quả của các phương pháp điều trị hoặc chủng ngừa hiện tại.

Susan Hassig, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm của trường đại học Tulane University, giải thích lý do biến thể Delta dễ lây lan hơn như sau: “Nhóm người bị nhiễm Delta sản sinh lượng vi-rút khổng lồ so với nhóm người bị nhiễm các biến thể khác. Và điều đó có nghĩa là họ có nhiều vi rút hơn để phát tán”.

Tiến sĩ Katelyn Jetelina, một nhà dịch tễ học tại trường y tế công cộng University of Texas School of Public Health ở thành phố Dallas, đã mô tả các protein gai của Delta là “loại dễ bám dính hơn”. Bà nói: “Then chốt về biến thể này là nó có cách tốt hơn để xâm nhập các tế bào của chúng ta và bám vào chúng”.

Theo trung tâm CDC, biến thể Delta có khả năng lây lan gần gấp đôi so với vi-rút COVID-19 ban đầu. Vi-rút ban đầu được ước tính có khoảng 7 ngày ủ bệnh, từ lúc mới bị nhiễm tới khi có biểu hiện triệu chứng. Thời kỳ ủ bệnh của Delta là khoảng 3 đến 4 ngày. Điều này cũng có nghĩa là nhóm người đã nhiễm biến thể Delta của COVID-19 sẽ đi lây bệnh lâu dài hơn so với nhóm người nhiễm vi-rút COVID-19 ban đầu.

Cũng theo trung tâm CDC, chủng ngừa COVID-19 hiện tại bảo vệ người đã được tiêm phòng để cho họ không bị nhiễm biến thể Delta. Và đối với những người vẫn bị nhiễm dù đã tiêm phòng, thì khả năng nhập viện hoặc tử vong cũng ít hơn. Theo giám đốc CDC, bác sĩ Rochelle Walensky: “97% số người hiện đang nhập viện vì COVID-19 là nhóm người chưa tiêm chủng ngừa”.

Một nghiên cứu từ Public Health England, một bộ phận y tế của chính phủ Anh Quốc, đã phát giác rằng vắc-xin Pfizer đạt mức hiệu quả 88% trong việc chống biến thể Delta sau mũi thứ hai như đã khuyến khích.

Hãng thuốc Moderna Inc cũng thông báo là chủng ngừa Moderna “tạo ra nồng độ kháng thể trung hòa chống lại tất cả các biến thể đã được thử nghiệm”, có luôn cả Delta.

Theo dữ liệu của hãng Johnson & Johnson, chủng ngừa COVID-19 chỉ tiêm một mũi của họ “kích thích hoạt động của kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta ở mức còn cao hơn những gì đã quan sát gần đây đối với biến thể Beta (B.1.351) ở Nam Phi, nơi mức hiệu quả cao chống lại bệnh nặng/tình trạng nguy kịch đã được chứng minh”.

Trung tâm CDC gần đây có cập nhật hướng dẫn về việc đeo khẩu trang: Ở những khu vực có mức lây truyền COVID-19 đáng kể hoặc cao, mọi người phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà, ngay cả khi đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy là rất hiếm, những người đã tiêm chủng ngừa vẫn có thể nhiễm COVID-19. Ngay cả khi không có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, nhưng họ vẫn có thể lây truyền vi-rút cho người khác.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc Gia Về Dị Ứng và Bệnh Truyền Nhiễm, khuyến khích người dân nên đi tiêm phòng. Những người đã tiêm chủng ngừa ít có khả năng nhiễm COVID-19 hơn nhiều so với những người chưa tiêm chủng ngừa.

Ông Fauci cho biết, nếu càng nhiều người nhiễm COVID-19, bệnh dịch có nhiều khả năng biến đổi hơn, đến mức sẽ xuất hiện một loại biến thể mà thuốc chủng ngừa không chống lại được. Ông nói: “Nếu bạn cho phép vi-rút tự do sinh sôi nảy nở lâu dài trong xã hội, nó sẽ đột biến… Điều gì sẽ xảy ra nếu, qua rất nhiều tháng, bạn cho phép vi-rút nhân lên bản sao chép của nó, và chúng ta có thể hình dung được, dù không chắc chắn nhưng hình dung được, là về sau sẽ có một biến thể có khả năng vượt xuyên qua lớp bảo vệ của thuốc chủng ngừa”.

Để hẹn ngày tiêm chủng ngừa, xin đến trang

Việt Kiểm Tin đang liên kết với nhiều tổ chức cộng đồng và y tế để giúp cộng đồng người Mỹ gốc Việt hiểu thêm về chủng ngừa COVID-19. Dự án này được hỗ trợ bởi: Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT), Dịch Vụ Y Tế Á Châu (AHS), Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh (California Healthy Nail Salon Collaborative), Liên Minh Sinh Viên Bắc Mỹ Gốc Việt (UNAVSA), Trung Tâm Tài Nguyên Hành Động Đông Nam Á (SEARAC), Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khoẻ Y Tế Người Mỹ Gốc Á (ARCH) và Hiệp Hội Tổ Chức Sức Khoẻ Cộng Đồng Châu Á Thái Bình Dương (AAPCHO).

Bài viết này được hỗ trợ bởi Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Dịch Bệnh (CDC) của Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ (HHS) dưới dạng là một phần của một giải thưởng tài chính tổng cộng $3,300,000 — với 40% đến từ CDC và HHS. Nội dung bài viết là của riêng tác giả/các tác giả và không nhất thiết làm đại diện cho các ý kiến chính thức, hoặc là hành động ủng hộ, của CDC/HHS hay Chính phủ Hoa Kỳ.
This article is supported by the Centers for Disease Control and Prevention of the U.S. Department of Health and Human Services (HHS) as part of a financial assistance award totaling $3,300,000 with 40% funded by CDC/HHS. The contents are those of the author(s) and do not necessarily represent the official views of, nor an endorsement, by CDC/HHS, or the U.S. Government.