Thuốc chủng ngừa COVID-19 có an toàn cho trẻ nhỏ không?

(English)

Giả định: Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) đã nói chủng ngừa Pfizer COVID-19 là an toàn cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Thẩm định: Giả định này ĐÚNG. Các lời khuyên của trung tâm CDC đã được Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA), Liên Minh Châu Âu (EU) và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) lặp lại. Chủng ngừa Pfizer là an toàn cho trẻ từ 12 tuổi trở lên — trong độ tuổi từ 12 đến 15, chủng ngừa cho thấy mức hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng COVID-19. Tiêm phòng cho trẻ nhỏ cũng sẽ giúp các em trở lại trường học.


Cục FDA và CDC đã phê duyệt chủng ngừa Pfizer COVID-19 hai liều cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Liều đầu tiên sẽ cách liều thứ hai ba tuần. Trước đây, chủng ngừa Pfizer chỉ được phép sử dụng cho những người từ 16 tuổi trở lên.

Để đưa ra lời khuyên này, chủng ngừa Pfizer đã trải qua một thử nghiệm lâm sàng có 2,260 người từ 12 đến 15 tuổi tham gia. Những người này được theo dõi trong hai tháng, sau liều chủng ngừa thứ hai. Nghiên cứu cho thấy không có ai nhiễm COVID-19, chứng minh mức hiệu quả 100% của chủng ngừa Pfizer trong việc phòng chống COVID-19 ở người trẻ tuổi.

Các tác dụng phụ thường gặp được báo cáo là: đau tại chỗ tiêm, hầu hết nhức đầu, ớn lạnh, đau cơ, sốt và đau khớp. Những tác dụng phụ này kéo dài từ 1 đến 3 ngày.

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất phê duyệt chủng ngừa Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Liên Minh Châu ÂuTổ Chức Y Tế Thế Giới cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Hiện có các thử nghiệm lâm sàng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 11 tuổi.

Trường nổi tiếng Nghiên Cứu Y Khoa John Hopkins cũng khuyên các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình vì những lý do sau: “Tuy COVID-19 ở trẻ em thường nhẹ hơn ở người lớn, nhưng một số trẻ có thể bị bệnh nặng và có các biến chứng, hoặc các triệu chứng kéo dài ảnh hưởng đến sức khoẻ và thể trạng. Vi-rút cũng có thể gây tử vong ở trẻ em, dù trường hợp này hiếm gặp hơn so với người lớn. Tương tự như người lớn, trẻ em cũng có thể truyền coronavirus cho người khác nếu bị nhiễm bệnh, ngay cả khi không biểu hiện triệu chứng.”

Trường Y Khoa John Hopkins cũng nêu rằng, việc được tiêm chủng COVID-19 sẽ giúp trẻ em có thể đến trường học mà không phải lo bị nhiễm COVID-19. Trường y cũng cho biết, chủng ngừa COVID-19 không khác gì các loại chủng ngừa khác mà trẻ em phải tiêm trước khi đi học ở các trường công lập (như chủng ngừa bạch hầu hoặc ho gà).

Đã có báo cáo về trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ở các thiếu niên và thanh niên sau khi chích chủng ngừa Pfizer và Moderna. Trung tâm CDC và FDA đã xác nhận 393 trường hợp ở những người dưới 30 tuổi, dù là hầu hết các trường hợp đều nhẹ và không ai tử vong. Các tổ chức y tế hiện đang điều tra liệu chủng ngừa có gây ra các bệnh về tim hay không, nhưng họ vẫn tiếp tục khuyến khích nên sử dụng chủng ngừa Pfizer cho những người từ 12 tuổi trở lên. Khi nhận thấy là gần 17 triệu người dưới 25 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ một người trẻ tuổi bị chứng viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim sau khi chích chủng ngừa, thực tế, là con số 0.

Nếu bạn đã tiêm chủng ngừa COVID-19 và cảm thấy đau ngực, khó thở hoặc tim đập nhanh hay mạnh, xin tìm gặp bác sĩ. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào sau khi tiêm chủng, hãy báo cáo Hệ Thống Trình Báo Trường Hợp Tác Dụng Phụ Nguy Hiểm Về Chủng Ngừa được trung tâm CDC, FDA và Bộ Y Tế & Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ giám sát.

Cả hai hãng Moderna và Johnson & Johnson cũng tiến hành thử nghiệm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em. Bài viết này sẽ được cập nhật nếu những chủng ngừa đó được sự chấp thuận.

Để hẹn ngày tiêm chủng ngừa, xin đến trang

Việt Kiểm Tin đang liên kết với nhiều tổ chức cộng đồng và y tế để giúp cộng đồng người Mỹ gốc Việt hiểu thêm về chủng ngừa COVID-19. Dự án này được hỗ trợ bởi: Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến (PIVOT), Dịch Vụ Y Tế Á Châu (AHS), Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh (California Healthy Nail Salon Collaborative), Liên Minh Sinh Viên Bắc Mỹ Gốc Việt (UNAVSA), Trung Tâm Tài Nguyên Hành Động Đông Nam Á (SEARAC), Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khoẻ Y Tế Người Mỹ Gốc Á (ARCH) và Hiệp Hội Tổ Chức Sức Khoẻ Cộng Đồng Châu Á Thái Bình Dương (AAPCHO).