Bài Viết Diễn Giải: Điều gì đang gây ra lạm phát?

(English)

Công chúng Mỹ hiện đang lo ngại về tình trạng lạm phát ngày càng gia tăng, khi mà đồng đô la Mỹ có sức mua kém hơn trước và giá cả hàng hóa đã tăng cao.

Gần đây nhất, lạm phát tại Hoa Kỳ đã lên tới 7,9%, một mức cao chưa từng có kể từ năm 1982 – mặc dù trong những năm 1970, lạm phát hai con số từng khá phổ biến do nền kinh tế Hoa Kỳ đã ở trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với hiện nay. Nguyên nhân của lạm phát là gì và khi nào giá cả dự kiến ​​sẽ đi xuống?

Lạm phát là gì?

Lạm phát xảy ra khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng cao. Điều này có thể xảy ra vì hai lý do cơ bản. Thứ nhất, giá cả đã tăng trên diện rộng trên một loại hàng hóa. Ví dụ, nếu sữa hoặc xăng tăng giá và không có lựa chọn thay thế nào rẻ hơn, mọi người sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn vì họ không có lựa chọn.

Một lý do khác khiến lạm phát có thể tăng là do mọi người có khả năng tiếp cận nhiều tiền hơn. Một lý do quan trọng để điều này xảy ra là bởi lãi suất. Lãi suất thấp thúc đẩy việc vay tiền và thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm do mọi người sẵn sàng chi nhiều tiền hơn vì họ có nhiều tín dụng hơn và có ít động lực để tiết kiệm hơn.

Các chính phủ thường hạ lãi suất để tăng hoạt động kinh tế bất chấp nguy cơ lạm phát. Lãi suất cao khuyến khích tiết kiệm và làm cho việc vay nợ kém hấp dẫn hơn, có khả năng dẫn đến suy giảm nền kinh tế. Hoa Kỳ cân bằng nhu cầu phát triển kinh tế với nhu cầu kiểm soát giá cả và lạm phát bằng cách quản lý lãi suất ngắn hạn.

Trong đại dịch COVID-19, lạm phát đang xảy ra do chính phủ liên bang (thông qua Cục Dự trữ Liên bang) đã hạ lãi suất xuống 0% để thúc đẩy phục hồi kinh tế, và việc đó góp phần gia tăng lạm phát. Mức lạm phát 2% được coi là mức lành mạnh cho nền kinh tế. Lạm phát bằng không hoặc số âm là một chỉ báo của một nền kinh tế yếu kém.

Lạm phát còn do chuỗi cung ứng toàn cầu — là lộ trình hàng hoá từ nơi sản xuất đến khi đến tay người tiêu dùng. Vào đầu đại dịch, nhiều nhà máy đóng cửa hoặc giảm sản lượng, và các công ty vận tải biển cắt giảm lịch trình vận chuyển. Nhưng khi mọi người ở nhà trong tình trạng phong tỏa, nhu cầu về hàng hóa gia dụng của họ lại tăng lên đáng kể. Điều này dẫn đến sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu, chi phí lao động, sản xuất và vận chuyển hàng hóa – bởi vì các nhà máy và công ty vận chuyển phải nhanh chóng thay đổi kế hoạch của họ để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu bất ngờ.

Kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục từ đại dịch COVID-19 nhanh hơn so với chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Và vì sự mất cân đối đó mà lạm phát lại càng gia tăng.

Cuộc chiến ở Ukraine cũng có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, vì sự bất ổn do chiến tranh đã gây ra biến động lớn trong giá dầu. Ukraine là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghệ và ô tô, và chiến tranh đã khiến việc xuất khẩu những nguyên liệu thô đó bị đình trệ. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga cũng đã ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa xuất khẩu từ Nga.

Tiền lương cũng đã tăng để đối phó với lạm phát, mặc dù hầu hết ở mức thấp hơn lạm phát. Không phải tất cả các tin tức này đều là xấu: Trong thời gian đại dịch, mức lương của một phần ba dưới cùng của lực lượng lao động Hoa Kỳ đã tăng cao hơn mức lạm phát bởi vì các nhà tuyển dụng đổ xô thuê mướn công nhân lương thấp trong giai đoạn kinh tế phục hồi.

Khi nào giá hàng hóa sẽ giảm trở lại?

Không có gì chắc chắn. Khi các điều kiện của chuỗi cung ứng được cải thiện, lạm phát sẽ giảm xuống. Thật không may, điều này có thể không có nghĩa là giá cả sẽ giảm – khi người tiêu dùng đã quen với giá cả mới và sẵn sàng chi trả giá cao, các công ty có rất ít động lực để giảm giá. Theo báo Wall Street Journal, các tập đoàn đã sử dụng đại dịch như một cái cớ để tăng giá và tăng cường lợi nhuận — với nhiều công ty mang về nhiều lợi nhuận hơn so với trước đại dịch.

Nhưng Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất ngắn hạn lên một phần tư phần trăm trong nỗ lực làm chậm lạm phát. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết ông sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát không dừng lại, đồng thời cho rằng lạm phát cao gây bất lợi cho sự phục hồi kinh tế.