Bài viết diễn giải: Lý thuyết Chủng tộc Phê phán CRT là gì?

(English)

Trên khắp đất nước, 42 tiểu bang đã đề xuất các dự luật hoặc thực hiện các biện pháp tương tự để cấm việc giảng dạy lý thuyết chủng tộc phê phán (CRT – Critical Race Theory) trong các lớp học, và hạn chế cách các nhà giáo dục dạy học sinh dưới 18 tuổi về chủng tộc trong hệ thống trường phổ thông. Mười bảy tiểu bang đã ban hành những lệnh cấm thế này.

Theo báo Washington Post, các nhà hoạch định chính sách bảo thủ và thuộc Đảng Cộng hòa và đã sử dụng CRT như một cái lưới bao quát “cho hầu hết mọi sự xem xét về phân biệt chủng tộc có hệ thống,” và phân biệt giới tính trong một số trường hợp, bao gồm cả cách dạy lịch sử Hoa Kỳ trong các trường phổ thông và cách giáo viên có thể nói chuyện với học sinh của họ về các sự kiện hiện tại.

Tuy nhiên, lý thuyết chủng tộc phê phán thực sự không được giảng dạy trong các trường K-12. Vậy tại sao đảng Cộng hòa lại tập trung vào nó?

Lý thuyết chủng tộc phê phán là gì?

Lý thuyết chủng tộc phê phán là một lý thuyết xuất hiện trong lĩnh vực pháp luật trong những năm 1970 và 1980, và được sử dụng để hiểu tại sao bất bình đẳng chủng tộc vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ. Thất vọng trước những hạn chế của phong trào dân quyền, các học giả pháp lý Derrick Bell, Mari Matsuda, Kimberlé Crenshaw và nhiều người khác đã đến với nhau để cùng thúc đẩy việc xem xét phê bình các đạo luật và các thể chế nhằm ủng hộ quyền tối thượng của người da trắng và duy trì sự phân biệt chủng tộc có hệ thống. Quan trọng hơn, họ nói rằng thuyết CRT tìm cách thay đổi mối quan hệ giữa luật pháp và quyền lực chủng tộc bằng một “cam kết giải phóng con người” cụ thể, theo cuốn sách của họ về chủ đề này xuất bản năm 1996.

CRT bắt đầu từ trong lĩnh vực pháp lý, nhưng nó cũng rẽ nhánh sang môi trường đại học. Các học giả Gloria Ladson-Billings và William Tate đã đưa CRT vào giáo dục như một cách để hiểu sự bất bình đẳng trong học đường.

CRT bao gồm một số nguyên lý: nguyên lý đầu tiên là phân biệt chủng tộc không chỉ là những hành vi định kiến ​​cá nhân, phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống. Nguyên lý khác của CRT là bình đẳng có thể đạt được không phải bằng cách trừng phạt các cá nhân, mà bằng cách thay đổi cấu trúc xã hội và chính sách / luật pháp.

CRT được bàn đến như thế nào trong chính trị?

Bắt đầu từ mùa hè năm 2020, Christopher Rufo, cùng với các chuyên gia bảo thủ khác, đã xuất hiện trên Fox News và các phương tiện truyền thông khác để lên án CRT, dán nhãn cho nó như một mối đe dọa đối với quốc gia. Được Rufo khuyến khích, nhiều chính trị gia bảo thủ cho rằng việc phân tích các thể chế và hệ thống bằng lăng kính chủng tộc chính là phân biệt chủng tộc. Họ cũng biện luận rằng việc giảng dạy những khái niệm này gieo mầm chia rẽ giữa các nhóm chủng tộc khác nhau và gây ra cảm giác tội lỗi liên quan đến chủng tộc, đặc biệt là đối với người da trắng.

Các chính trị gia này mô tả CRT như một tập hợp các khái niệm gây chia rẽ được dạy cho học sinh ở các trường phổ thông. Tuy CRT được sử dụng bởi các học giả trong giáo dục đại học, nó không được giảng dạy cho em học sinh phổ thông. Các lớp phổ thông tuy có bàn đến vấn đề thiên vị hệ thống, sự đa dạng, hoặc lịch sử chủng tộc ở Mỹ, nhưng những chủ đề đó KHÔNG PHẢI là thuyết CRT. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Cộng hòa đã xếp BẤT KỲ cuộc thảo luận nào về chủng tộc và sự đa dạng vào loại CRT.

Các nhà lãnh đạo dân chủ và các tổ chức dân quyền đã gọi những cố gắng cấm đoán CRT này là một nỗ lực lớn hơn nhằm xóa bỏ bất kỳ sự dạy dỗ nào về chủng tộc, về phân biệt chủng tộc, về bất bình đẳng hệ thống và về lịch sử của người da màu ở Mỹ. Với những dự luật chống CRT hiện có, nhiều giáo viên giờ đang phân vân việc họ có nên đi sâu vào một số chủ đề, chẳng hạn như nạn diệt chủng người Mỹ bản địa, chế độ nô lệ và nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Vào năm 2021, Texas đã thông qua một dự luật về lý thuyết chủng tộc thay thế, cấm giáo viên dạy học sinh rằng chế độ nô lệ là một phần trong sự thành lập Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Giáo viên chỉ có thể nói với học sinh rằng chế độ nô lệ “đi chệch hướng so với“ các “nguyên tắc sáng lập” về “tự do và bình đẳng” của người Mỹ (mặc dù chế độ nô lệ đã có từ khi nước Mỹ thành lập năm 1776 đến năm 1865 và hầu hết những nhà sáng lập nước Mỹ đều sở hữu nô lệ). Luật của Texas hiện là mô hình cho các dự luật CRT khác. Giá phải trả sẽ rất cao nếu trường học hoặc giáo viên vi phạm luật CRT của tiểu bang họ: giáo viên có thể bị sa thải và trường học có thể bị khấu trừ ngân sách.

Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) đã mô tả các dự luật chống CRT này là một cách để các nhà lập pháp “bịt miệng các cá nhân, các nhà giáo dục, giới trẻ và áp đặt một phiên bản thay thế của lịch sử Hoa Kỳ – một phiên bản đã xóa bỏ di sản về phân biệt đối xử và kinh nghiệm sống của người Da đen và người Da nâu, phụ nữ và thiếu nữ, và các cá nhân cộng đồng đa giới tính LGBTQ+.”

Chi nhánh Texas của Liên đoàn Giáo viên Hoa Kỳ cũng phản đối việc thông qua dự luật CRT ở Texas, nói rằng đó là một sự xúc phạm đối với giáo viên và mang động cơ chính trị: “[Đảng Cộng hòa] muốn dùng chuyện này như một vấn đề gây chia rẽ trong các cuộc đua chính trị của tiểu bang và địa phương. Dự luật này là một phần của một phong trào tầm quốc gia do những người bảo thủ cố gắng gieo rắc câu chuyện rằng học sinh bị giáo viên nhồi sọ. Các thành viên của chúng tôi đã bày tỏ sự phẫn nộ chính đáng trước sự xúc phạm tính chuyên nghiệp của họ để cung cấp các cuộc thảo luận cân đối với học sinh về các vấn đề gây tranh cãi.”