(English)
Giả định: Vào ngày 6 tháng 1, một đám đông vẫy cờ Trump đã phạm pháp xông vào tòa nhà Quốc hội để ép Quốc hội chọn Donald Trump là tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp. Một số dân biểu nói rằng những người làm loạn là Antifa, một hệ tư tưởng cực tả, chứ không phải MAGA.

Thẩm định: Giả định này SAI. Tuy các cuộc điều tra liên bang về những ai tham gia âm mưu đảo chính tại tòa nhà Quốc hội đang diễn ra, cơ quan FBI cho biết là không có bằng chứng nào cho thấy Antifa có liên hệ đến việc này. Nhiều nhân chứng cả tự do lẫn bảo thủ đã xác nhận những người gây loạn là những người ủng hộ Trump.
Vào 6 tháng 1 năm 2021, trong lúc Quốc hội đang phê chuẩn chiến thắng của Tổng thống Đắc cử Joe Biden sau Cuộc Bầu cử Tổng thống năm 2020 thì một đám đông có vũ trang đã xông vào tòa nhà Quốc hội để cản trở quá trình này.
Buổi sáng hôm đó, trong một bài phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ đã đến Washington D.C., Trump khai man rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị cướp mất do gian lận cử tri. Ông sau đó khuyến khích những người ủng hộ ông “tuần hành trong hòa bình” đến tòa nhà Quốc hội để ép Quốc hội trao cho ông nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
“Bây giờ là lúc Quốc hội phải đối đầu với cuộc tấn công nghiêm trọng vào nền dân chủ của chúng ta. Sau buổi nói chuyện này, chúng ta sẽ đi đến đó, và tôi sẽ đi cùng các bạn,” ông nói với đám đông. “Chúng ta sẽ đi bộ đến tòa nhà Quốc hội, và chúng ta sẽ cổ võ các thượng nghị sĩ, các nam và nữ nghị sĩ dũng cảm. Có lẽ chúng ta sẽ không cổ võ nhiều cho một số người trong số họ vì mình không thể lấy lại đất nước của mình bằng sự yếu kém. Chúng ta phải thể hiện sức mạnh, chúng ta phải mạnh mẽ.”
Theo lời của Trump, đám đông sau đó diễu hành đến tòa nhà Quốc hội, lúc đó đang đóng cửa không cho khách vào vì có đại dịch Covid-19. Tuy vậy, đám đông vẫn vượt qua rào chắn và các nhân viên công lực để đi vào tòa nhà Quốc hội, vừa đi vừa hô vang “Ngăn Vụ Cướp” và cầm cờ Trump.
ITV, một kênh tin tức của Anh, đã quay được đoạn video về những kẻ gây loạn ở Thủ đô đồng thời phỏng vấn họ.

Đám đông sau đó đi lại trong các sảnh của Quốc hội, phá hoại văn phòng của các viên chức Quốc hội và lấy cắp tài liệu của chính phủ. Theo Thượng nghị sĩ Jeff Markey, một máy tính của chính phủ đã bị đánh cắp. Những kẻ gây loạn để lại những thiết bị gây nổ.
Cả hai phiên họp của Quốc hội lúc đó phải tạm dừng vì có lệnh sơ tán.
Sau cuộc bạo động khiến 4 người dân và 1 cảnh sát thiệt mạng, hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Matt Gaetz và Mo Brooks suy luận là có thể Antifa đã xúi giục gây loạn. Họ trích dẫn một bài viết trên báo Washington Times nói rằng một công ty làm công nghệ nhận dạng khuôn mặt, XRVision, đã tìm ra nhiều thành phần của Antifa trong hình của những người biểu tình.
Theo FBI, Antifa là một hệ tư tưởng chứ không phải một tổ chức.
Công ty XRVision phản hồi rằng những hình ảnh này là bịa đặt và họ không nêu danh các thành viên Antifa trong cuộc bạo động.
Trong tuyên bố chính thức của mình, XRVision đưa bằng chứng cho thấy trong nhóm bạo động có các thành viên của Tân Quốc xã và QAnon (hội theo thuyết âm mưu): “Chúng tôi kết luận rằng hai cá nhân (Jason Tankersley và Matthew Heimbach) có liên hệ với tổ chức Maryland Skinheads và National Socialist Movements. Đây là hai tổ chức Quốc Xã có thật; chứ không phải là Antifa. Cá nhân thứ ba được xác định (Jake Angeli) là một diễn viên có quá trình từng quảng bá cho QAnon. Một lần nữa, việc nhận dạng cho thấy anh ta cũng không liên quan nào đến Antifa.”
Sau tuyên bố này, Washington Times đã rút lại bài viết mà Gaetz trích dẫn.
Đáng chú ý là Andy Ngo, một ký giả người Mỹ gốc Việt và người tự phong là chuyên gia về Antifa, có mặt tại cuộc bạo động và tuyên bố: “Những người chiếm đóng tòa nhà Quốc hội nhìn không giống người Antifa mặc đồ Trump hoặc mang phụ tùng Trump.”

Một người tham gia cuộc nổi loạn, đội mũ bảo hiểm có sừng và được chụp ảnh bên trong tòa nhà Quốc hội, ban đầu được xác định là Antifa. Tên người này là Jake Angeli. Trong các bài báo trước đây, Angeli tự nhận mình là người ủng hộ QAnon, một phong trào theo thuyết âm mưu ủng hộ Trump. Anh ta tham dự các cuộc biểu tình của Trump thường xuyên đến mức được gắn biệt danh là “Pháp sư QAnon.”
CNN cũng đã nhận dạng và phỏng vấn một số người gây loạn khác, tất cả đều tiết lộ công khai trên mạng xã hội mình là thành viên của Proud Boys, nhóm người da trắng thượng đẳng và QAnon.
The National Review, một tờ báo bảo thủ, cũng bác bỏ giả thuyết rằng những kẻ gây loạn ngày 6 tháng 1 là Antifa. Họ nói rằng, “Phần lớn những thành viên trong các nhóm bạo loạn tự nhận mình là ai thì họ là thế, trong trường hợp này có nghĩa họ là những người trung thành với Trump. Điều này còn rõ ràng hơn ở đây vì một số kẻ gây loạn tại tòa nhà Quốc hội vui vẻ cho phóng viên biết tên của họ.”
Vào ngày 8 tháng 1, cơ quan FBI cũng cho biết họ không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào liên kết Antifa đến cuộc bạo loạn. Steven D’Antuono, phụ tá giám đốc của FBI, cho biết: “Chúng tôi không có dấu hiệu nào chứng minh điều đó ở thời điểm này.”
Bộ Tư Pháp đã bắt giữ một số kẻ bạo loạn, trong số đó có Derrick Evans, một đảng viên Cộng hòa của tiểu bang West Virginia đã tự quay video lúc mình cùng với nhiều người khác xông vào tòa nhà Quốc hội. “Chúng tôi sẽ lấy lại đất nước này cho dù bạn có muốn hay không,” Evans nói trong video.
Bất kể họ theo xu hướng chính trị nào, những người làm loạn đều được sự ủng hộ của chính Trump. Trong một video được phát hành khi tòa nhà Quốc hội vẫn còn bị chiếm đóng, Trump nói: “Chúng ta phải có hòa bình. Do đó hãy về nhà đi. Chúng tôi yêu các bạn. Các bạn rất đặc biệt.”
Nhiều cảnh sát sau đó đã đến toà nhà và trục xuất những người nổi loạn ra. Quốc Hội sau đó tiếp tục các phiên họp và chứng nhận Biden là Tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ.
Vào ngày 8 tháng 1, Twitter đã khoá vĩnh viễn tài khoản của Trump, phương tiện chính Trump sử dụng để giao tiếp với công chúng, với lý do “kích động bạo lực.”